Arcer THPT nâng trình tư duy phản biện, chủ động và sáng tạo với học Tiếng Anh trực tuyến

22/10/2021

    Trong bối cảnh học tập trực tuyến, các học sinh luôn nhận được nhiệm vụ với kho Học liệu đa dạng, phong phú về nguồn và hình thức trên nhiều nền tảng khác nhau. Thêm vào đó, cô trò vẫn luôn dùng Teams như 1 công cụ hữu ích trong quá trình tổ chức các hoạt động tương tác khi dạy và học online cùng nhiều ứng dụng khác trên nguyên tắc phù hợp với từng đặc điểm riêng của mỗi tiết học. Bên cạnh đó, Học tập môn Tiếng Anh bằng cách thuyết trình dự án, không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, mà cả tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc nhóm hiệu quả. 

    Chúng ta sẽ cùng đi khám phá một tiết học Tiếng Anh tại lớp 10C1 của cô Nguyễn Thu Thủy nhé.

    Mở đầu bài học, cô giáo tạo tâm thế cho cả lớp bằng một hoạt động liên hệ thực tế đời sống: Think of the factors which help people get over difficulties during the Covid-19 pandemic (Hãy nghĩ về những nhân tố giúp con người vượt qua bao khó khăn trong đại dịch Covid-19). Học sinh sẽ truy cập website Mentimeter - một kho tài nguyên và công cụ hỗ trợ dạy học rất hữu hiệu mà giáo viên online nên sử dụng - để gửi câu trả lời. Phương thức này giúp học sinh chủ động và độc lập tư duy thay vì chờ đợi nhau nhắn vào hộp chat hay cô giáo gọi mới phát biểu.  

    Bước vào phần Khởi động, giáo viên cho học sinh hoạt động theo nhóm để thảo luận về chủ đề Inventions (Lựa chọn một phát minh có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến nhân loại và đưa ra các lí do). Các nhóm tổng hợp ý kiến và trình bày bằng tiếng Anh trên Padlet (một trang web đóng vai trò thay bảng đen trên lớp). Khi cô giáo chia sẻ màn hình, cả lớp sẽ tiện theo dõi đồng thời câu trả lời của tất cả các nhóm.  

    Học tiếng Anh đâu chỉ có đọc và viết, các bạn học sinh còn cần được luyện tập kĩ năng thuyết trình. Trong khuôn khổ tiết học 45 phút trong không gian trực tuyến, cô và trò lớp 10C1 vẫn tương tác với nhau rất tích cực. Từng nhóm cử đại diện trình bày kết quả thảo luận về các phát minh trên thế giới. Cô giáo cũng tự nhiên dẫn dắt và đặt các câu hỏi gợi mở để học sinh nói thêm về chủ đề mà các em đã lựa chọn. Nhờ thế mà tiết học trở nên sôi nổi và sinh động hơn nhiều.  

    Phần thứ ba của tiết học, cô giáo hướng dẫn cả lớp rèn luyện kĩ năng còn lại, đó là nghe. Để tránh trường hợp đường truyền Internet không ổn định, có thể có học sinh không nghe được audio, cô giáo đã chuẩn bị thêm tài liệu đọc trên slide. Trong phần này, giáo viên yêu cầu các cá nhân học sinh trả lời 05 câu hỏi liên quan đến audio vào hộp chat, điều này thể hiện sự đa dạng các hình thức tổ chức lớp học online (làm việc nhóm, làm việc độc lập...).  

    Cuối buổi học, cô giáo xác nhận với cả lớp về những nội dung mà các em cần nắm được:  các tính từ miêu tả các phát minh, những ý tưởng xoay quanh chủ đề các phát minh 

    Giáo viên thường say sưa giảng bài mà quên mất người học mới là chủ thể của quá trình học tập. Thế nhưng trong tiết học này, chúng ta có thể thấy cô Thu Thủy đã hướng dẫn học sinh thực hành cả bốn kĩ năng quan trọng trong bộ môn Tiếng Anh (đọc – viết – nghe – nói) một cách nhuần nhuyễn và đi từ căn bản đến phức tạp. Các học sinh hoàn toàn có khả năng chủ động trau dồi vốn ngôn ngữ của mình và tiến đến mục tiêu xa hơn nữa là vận dụng tư duy phản biện vào hoạt động giao tiếp trong đời sống thường nhật.  
     

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan