Thêm một món quà dành tặng cho Acers K9 đang ấp ủ “giấc mơ Chuyên”, xin gửi đến các bạn những kinh nghiệm quý báu từ cựu Acer 9C Lê Lan Khanh. Hi vọng sẽ góp thêm hành trang cho Acers để tự tin bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.
LÊ LAN KHANH
|
1/ Hãy tự tin vào chính mình
Tại sao mình lại nói với các bạn điều này đầu tiên? Bản thân Khanh thấy, học chuyên cũng cần có bản lĩnh và tự tin vào chính mình. Ngày đầu đến lớp học chuyên, mình đã rất hoang mang vì các bạn ai cũng giỏi, mà mình thì lại bắt đầu muộn so với các bạn. Điểm kiểm tra những tháng đầu tiên của mình thường xếp bét lớp. Dù cảm thấy một chút xấu hổ, nhất là khi bố mẹ biết điểm của mình nhưng mình không hề nản lòng mà tiếp tục vững bước trên con đường của mình. Và cuối cùng mình cũng đã đỗ vào ngôi trường cấp 3 mơ ước và vẫn tiếp tục tình yêu với Hóa.
2/ Sơ đồ hóa kiến thức để nhớ lâu hơn
Học Hóa bạn sẽ thấy có quá nhiều thứ cần phải nhớ, nhưng nếu biết cách liên kết chúng với nhau, hệ thống kiến thức một cách khoa học thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bí quyết của Khanh là luôn có một cuốn sổ tay nhỏ để ghi lại những điều cần lưu ý và tự tóm tắt kiến thức bằng sơ đồ thì sẽ nhớ rất lâu.
3/ Bao quát kiến thức 100%
Các bạn cần nhớ, tất cả các phần kiến thức đều có mức độ quan trọng như nhau vì vậy không nên bỏ qua bất cứ phần nào. Vào những tháng cuối trước kỳ thi, các bạn nên luyện đề liên tục để tổng hợp kiến thức, ưu tiên hơn cho những dạng đề mà mình cảm thấy chưa an toàn, các dạng bài đã nhuần nhuyễn thì luyện trình bày cẩn thận, làm đến đâu ăn chắc điểm đến đó.
4/ Với bài tập, đừng nên lan man
Hóa có khá nhiều dạng bài tập, các bạn nên luyện theo từng dạng bài, không nên lan man quá nhiều. Mỗi dạng chọn lọc ra những bài hay, tổng hợp nhiều ý tưởng thì ôn tập vừa hiệu quả, vừa đỡ mất thời gian.
5/ Làm lại bài nhiều lần để rèn kỹ năng và tốc độ
Ngoài thời gian học bài trên lớp, thời gian ở nhà là lúc mình làm lại bài khó trên lớp để tự mình tự “vỡ” kiến thức, sẽ nhớ lâu hơn. Với bài tập về nhà mà thầy cô giao, sau khi làm xong bài mình tự xem lại bài, ghi ra những lỗi mình mắc phải, tự tóm tắt lại kiến thức, rồi làm lại từ 1-2 lần để rèn kỹ năng và tốc độ.
Một trong những đầu sách mà mình thấy rất hữu ích cho việc ôn luyện môn Hóa đó là cuốn “22 chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa THCS” (2 tập) của thầy Nguyễn Đình Hành và Nguyễn Hữu Thọ. Mình đã sử dụng 2 tập sách này để luyện thêm những phần kiến thức mà mình cảm thấy mình chưa thực sự nhuần nhuyễn.
6/ Phân bổ thời gian hợp lý
Hãy phân bổ thời gian ôn luyện cho cả năm học một cách hợp lý, đừng bao giờ học dồn trong những tháng cuối. Điều này giúp bạn tránh được tình trạng căng thẳng quá mức vào thời gian cận kề ngày thi và đảm bảo bước vào kỳ thi với tâm lý và sức khỏe tốt nhất.
Học tập chăm chỉ là vô cùng quan trọng nhưng đôi khi bạn cũng cần có những quãng nghỉ để tái tạo năng lượng. Và khi ngồi vào bàn học là phải tập trung, không học lan man, vừa học vừa chơi rất tốn thời gian mà không hiệu quả.
7/ Một số mẹo khi làm bài thi
Khi làm bài thi, điều cần nhất là bình tĩnh, gặp bài khó gỡ thì phải chuyển sang ngay bài dễ hơn để không làm mất thời gian. Khi làm xong các bài khác rồi, các bạn quay lại làm những bài khó. Như thế khả năng thành công sẽ cao hơn vì không còn phải lo lắng thiếu thời gian cho những bài sau. Một lưu ý rất nhỏ cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng đó là khi đi thi các bạn nhớ đeo đồng hồ để tự mình căn thời gian làm bài nhé.
Chúc các bạn có một mùa thi thành công và đỗ vào trường chuyên mà mình mơ ước!