Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút Corona biến chủng gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt. Đến nay đã ghi nhận có trường hợp xâm nhập vào Việt Nam và một số quốc gia khác.
Thực hiện Công điện số 43/CĐ-BGDĐT ngày 28/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona; Công văn số 300/SGDĐT-CTTT ngày 30/01/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp; Công văn số 94/UBND-VP ngày 30/01/2020 của UBND quận Thanh Xuân về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của vi rút Corona. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã có Công văn số 174/PGD&ĐT ngày 30/01/2020 yêu cầu các nhà trường triển khai thực hiện tốt một số biện pháp để tăng cường công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.
Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; không gây hoang mang, lo lắng về dịch bệnh; phối hợp với các đơn vị liên quan trong phòng, chống dịch bệnh. Giáo dục để mỗi học sinh là “một chiến sĩ nhỏ” trong việc tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Thứ hai, Hướng dẫn cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh hạn chế đến các khu chợ bán đồ tươi sống, những nơi tụ tập đông người; ăn chín, uống sôi; không nên tiếp xúc với động vật và chất thải của động vật; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; đeo khẩu trang y tế đúng cách; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Thứ ba, Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh: Tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, rác thải, khử khuẩn lớp học, hành lang, khuôn viên toàn trường. UBND quận giao Trung tâm Y tế phun thuốc sát khuẩn tại các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc quận (cấp mầm non và tiểu học: ngày 01/02/2020, cấp THCS: ngày 02/02/2020). Đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn: tăng cường công tác tự kiểm tra, duy trì chế độ kiểm soát giao nhận thực phẩm, thực hiện Test thực phẩm hàng ngày, phát huy vai trò của tổ kiểm soát ATTP trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh. Cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường.
Thứ tư, Thời điểm hiện tại, các trường phối hợp với cha mẹ học sinh phát khẩu trang cho học sinh (Quận có kế hoạch phát miễn phí); yêu cầu CB, GV, NV và học sinh đeo khẩu trang thường xuyên.
Thứ năm, Các trường thành lập tổ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (thành phần gồm: Ban giám hiệu, đại diện các đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, đại diện cha mẹ học sinh). Hàng ngày, theo dõi sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh dịch; tất cả các trường hợp sốt đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để khám, điều trị; thông tin với nhà trường kết luận của cơ quan y tế. Thông báo ngay cho Trung tâm Y tế quận các trường hợp giáo viên, học sinh bị sốt và viêm đường hô hấp để phối hợp tổ chức quản lý, giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường cần báo cáo ngay vềTrung tâm Y tế quận, phòng Giáo dục và Đào tạo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch theo quyđịnh./.
Tác giả: Phòng GD&ĐT Thanh Xuân