Sau hai lần báo hoãn vì lịch thi cấp Quận đột xuất và thời tiết không ủng hộ thì hôm qua, Arcers khối 3-4-5 chúng tớ đã chính thức được khoác balô lên và đi. Nói cho vui vậy thôi chứ thực ra chúng tớ chỉ cần mang người không bởi mọi thứ cần thiết đều đã được nhà trường chuẩn bị kỹ càng. Những bạn cẩn thận mang theo điện thoại thông minh còn phải đưa cô giữ hộ để tập trung 100% vào những hoạt động thú vị mà cũng đầy thử thách. Nào bây giờ, xin mời các bạn hãy cùng theo chân Arcers chúng tớ bước vào khoá học “Phòng vệ thông minh” nhé!
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Cách Hà Nội 40km, Trung tâm huấn luyện nghiệp vụ của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy thật rộng rãi, thoải mái cho chúng tớ hoạt động hết công suất. Sau khi bước xuống xe, chúng tớ được các anh chị hướng dẫn viên cung cấp mũ và găng tay bảo hộ rồi dẫn đến địa điểm tập trung của toàn đoàn.
Tại đây, tớ được gặp lại anh “Tụt” – người dẫn chương trình siêu nhí nhảnh, dễ thương với những câu chuyện rất “teen” khiến chúng tớ phải dỏng tai lên để nghe và há hốc miệng ra cười. Những quy định khi tham gia chương trình đều được anh “Tụt” biến hoá trở nên sinh động và dễ hiểu. Chúng tớ đang nóng lòng để chinh phục những thử thách của chương trình rồi đây.
Thử thách đầu tiên: Thoát hiểm từ tầng 3 của một toà nhà cao tầng. Cảm xúc của chúng tớ biến đổi theo độ cao luôn nhé. Hừng hực khí thế chạy từ tầng 1 lên tầng 3. Đeo dây cứu hộ vào người xong thì cảm thấy hơi… run run. Đến lúc chú hướng dẫn viên nhắc trèo chân lên bục cửa sổ thì sợ dần đều. Khi chú phát lệnh “Bước chân ra ngoài cừa sổ” cảm tính tự nhủ rằng mình không nên làm việc nguy hiểm ấy. Thế là đa phần tớ và các bạn đứng im, chờ các chú đẩy giúp. Trên quãng đường thẳng đứng dài 15m, có bạn cười rất tươi, có bạn co cứng người, có bạn lại giữ chặt chiếc dây mà quên mất lời dặn đẩy tay vào tường. Sau cùng là cảm giác rất vui vì đã “hạ cánh” an toàn.
Thử thách thứ hai: Thoát khỏi gian phòng bị khói bao phủ. Trước đây, tớ cứ nghĩ những người gặp nạn trong đám cháy bị lửa thiêu đốt nhưng thầy giáo của khoá học cho biết nhiều người tử vong do hít phải khói độc sinh ra từ đám cháy. Khói có xu hướng bay lên trên nên chúng mình hãy cúi người xuống thấp để hạn chế hít phải và di chuyển bằng cách bám vào tường để tìm lối ra nhé. Và một điều quan trọng là hãy tự chế cho mình một chiếc khẩu trang cơ động bằng một miếng vải có thấm nước. Chiếc khẩu trang này sẽ giúp lọc bỏ khí độc rất tốt đấy. Trường hợp khẩn cấp không tìm được nước thì chúng ta dùng “Lavie thiên nhiên” do nhà máy cơ thể sản xuất xài tạm nhé.
Thử thách thứ ba: Sơ cứu vết thương và giải cứu người bị nạn. Việc băng bó vết thương cho bản thân hay người khác khi đã thoát khỏi đám cháy thì tớ thấy tương đối đơn giản. Chúng mình chỉ việc cuốn cuộn băng y tế một cách khéo léo để băng bó sơ trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Thế nhưng việc cứu người thoát khỏi đám cháy thì thực sự là cần phải học đó. Chúng tớ được dạy rằng phải đảm bảo tính mạng của mình trước khi nghĩ đến việc cứu người khác. Hơn nữa cần có những cách thức đúng đắn để cứu người trong hoả hoạn mà không gây tổn thương cho họ hoặc khiến bản thân mất an toàn.
Thử thách thứ tư: Học cách báo động và sử dụng các thiết bị chữa cháy. Bạn biết không, việc đầu tiên khi xảy ra cháy là phải hô thật to để cảnh báo nguy hiểm cho những người đang ở quanh khu vực cháy, sau đó nhanh chóng dập cầu dao để chống cháy nổ đường điện. Xong xuôi, chúng mình mới tìm bình cứu hoả (nếu có) và di chuyển đến đám cháy để dập lửa. Cái bình cứu hoả màu đỏ đỏ ấy bạn gặp hằng này nhưng tớ tin rằng nhiều bạn chưa biết cách sử dụng chúng đâu nhé. Rút chốt hãm như thế nào, vận chuyện ra sao và tư thế sử dụng thế nào cho hiệu quả là những kiến thức cần phải học đó.
Thử thách thứ năm: Trải đường dây dẫn nước và sử dụng vòi rồng để tiếp cận đám cháy ở trên cao. Cái này chúng mình học sơ sơ để biết thôi nhé vì thực tế công việc này thường được tiếp quản bởi các chú lính cứu hoả hoặc người lớn mà. Thế nhưng cảm giác điều khiển một nguồn năng lượng mạnh mẽ nhằm thẳng tới mục tiêu cũng thích thú ra trò đấy, như là siêu anh hùng luôn.
Không chỉ là kiến thức phòng cháy chữa cháy
Tớ chưa gặp tình huống hoả hoạn bao giờ nhưng tớ đã từng nghe thấy đâu đó trên TV, báo đài có những người không may tử vong hoặc bị thương nặng khi cố quay lại đám cháy để cứu vớt tài sản, mặc dù trước đó họ đã thoát ra ngoài. Vậy trong những tình huống khẩn cấp, việc bảo vệ tính mạng của bản thân chính là điều quan trọng nhất đúng không? Hy vọng rằng sau khoá học này, mỗi Arcers đều ý thức được việc đó để biết cách tự bảo vệ mình.
Lãng đãng trên chuyến xe quay trở về Hà Nội, tớ thầm khâm phục những chú lính cứu hoả. Chứng kiến họ miệt mài luyện tập tại Trung tâm huấn luyện mới thấy để học tập và theo đuổi được nghề nghiệp này không phải là dễ dàng. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng, đóng góp cho sự yên bình của đất nước, để mỗi người dân cảm thấy được bảo vệ. Chắc chắn buổi trải nghiệm ngày hôm nay không chỉ giúp chúng tớ lĩnh hội những kiến thức hữu ích mà còn khiến chúng tớ phải nỗ lực nhiều hơn, thấy khó khăn phải dũng cảm đối đầu, được phép chùn bước. Chúng tớ hứa sẽ trở thành người dũng cảm và tốt bụng như những chú lính cứu hoả.