Review sách: “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”

15/10/2017

    Bạn đánh giá một người ngốc dựa trên những tiêu chí nào? Vì họ không có kiến thức phổ thông, vì họ không theo kịp bài vở trên lớp hay vì họ suy nghĩ khác người? “Bại não”, “thiểu năng” là những từ nhiều người dùng để mạt sát những người họ cho là ngu ngốc nhưng chưa chắc họ biết thế nào là bại não thực sự, chẳng hạn như Lư Tô Vỹ, một đứa trẻ có IQ 70 về sau trở thành một người thành đạt. Hãy cùng tìm hiểu hành trình ông vươn lên từ một “tên ngốc” trở thành một thiên tài qua cuốn tự truyện “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” nhé.

    Tác giả cuốn truyện – Lư Tô Vỹ – sinh năm 1960. Ông là người Đài Loan, con út trong một gia đình nghèo khổ, bố mẹ đều làm thợ mỏ cực nhọc để nuôi ba đứa con và thêm người mẹ già. Vỹ năm lên 8 mắc bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bại não; chỉ số IQ của ông tụt xuống 70 ở mức “kém phát triển trí tuệ dạng nhẹ” và cần sự trợ giúp trong cuộc sống. Những năm tháng đầu tiên của sự vất vả, khó khăn từ đó bắt đầu với các bài kiểm tra đầy rẫy “trứng ngỗng”, sự trêu chọc của bạn bè cũng như những bài giảng của mẹ và chị, sự động viên an ủi của cha và sự cố gắng quyết tâm từ tất cả các thành viên trong gia đình còn lại. Sau này, ông tốt nghiệp Học viện Cảnh sát với số điểm xuất sắc, là tác giả của 50 đầu sách về giáo dục con cái, diễn giả của hơn 5.000 buổi diễn giảng và sở hữu 500 phát minh. Ông còn thành lập Quỹ Lãnh tụ văn hóa giáo dục thế kỷ Đài Loan và là một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn.

    con khong ngoc

    Tác phẩm nổi bật nhất của Lư Tô Vỹ hẳn phải là “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”, một cuốn sách đã tái bản 60 lần và bán được 100.000 bản tại Đài Loan. Đây là cuốn hồi ký thuật lại hành trình trưởng thành của ông, một hành trình kỳ diệu nhất mà cũng chân thực nhất. Truyện được viết theo hình thức tự sự xen lẫn miêu tả, biểu cảm với những câu chuyện hoàn toàn có thực, gần gũi và đời thường như bao cuộc đời khác, không lãng mạn hóa, không hoàn hảo hóa. Không những có hình thức đặc sắc, tác phẩm “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” cũng có một nhan đề độc đáo. Đó là câu cửa miệng của bố Lư Tô Vỹ mỗi khi ông bị điểm kém hay bị thầy cô giáo mắng là ngu dốt. Giản dị là thế nhưng câu nói ấy đã cho ông biết bao quyết tâm và cố gắng để trở thành một con người thành đạt như ngày hôm nay.

    Tác giả cũng qua tiêu đề cuốn sách để chứng minh những ai cho rằng thông minh tức là phải có điểm số cao chót vót, nhiều bằng cấp này nọ, đỗ đạt trong các kỳ thi… đã sai. Ông khẳng định rằng “thông minh” không nhất thiết là phải như vậy; sự cố gắng không ngừng và tiến bộ dù chỉ rất nhỏ thôi cũng đáng được trân trọng, ví dụ như từ điểm 0 quen thuộc trở thành điểm 1 đã là một nỗ lực lớn lao rồi. Hơn nữa, qua tiêu đề này, tác giả cũng nêu lên một thực trạng ngày nay là hầu hết phụ huynh mắc bệnh thành tích. Họ chỉ mong con mình được điểm cao để đi khoe với bạn bè chứ không hề hay biết hoặc để ý đến học lực của con. Khi con họ bị điểm kém thì họ sẵn sàng dọa nạt, quát mắng và đánh đập chúng chứ ít ai bình tĩnh lại, hỏi con chuyện gì đã xảy ra hay tìm hiểu nguyên nhân tại sao con bị điểm xấu như bố mẹ Vỹ đã ân cần làm. Từ đó, Lư Tô Vỹ thể hiện mong muốn các bậc cha mẹ hãy từ bổ lối suy nghĩ này và biết thông cảm chia sẻ với con cái hơn.

    Về hoàn cảnh sáng tác, Lư Tô Vỹ đã viết cuốn hồi ký này – một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, về sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi người, là niềm tin vào tình yêu cuộc sống – để kể lại hành trình ông cùng với sự trợ giúp của mọi người xung quanh, nỗ lực không ngừng và vươn lên từ một đứa trẻn thiểu năng thành một con người thành đạt. Qua đó, ông giúp các bậc phụ huynh biết cách làm đẹp tâm hồn và khơi đậy thiên tài trong mỗi đứa con, như cách bố mẹ ông đã làm.

    Bên cạnh hình thức và nhan đề độc đáo, cuốn sách thu hút người đọc nhất là ở nội dung của nó. “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” không chỉ kể về hành trình trưởng thành kỳ diệu của Lư Tô Vỹ mà còn là câu chuyện về tình yêu, sự bao dung và hi sinh. Tuy lên lớp 5 mới nhận diện được mặt chữ, trong 7 năm thi đại học 5 lần nhưng bằng những lời khuyến khích, khen ngợi của cha; những lần đến lớp cùng con học chữ, tìm hiểu cách giảng dạy tốt nhất của mẹ và cố gắng nỗ lực của biết bao người khác, ông có niềm tin vào khả năng của mình.

    Từ một cậu bé “thiểu  năng” đến một thiên tài, không chỉ là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của Vỹ mà còn là của tất cả mọi người xung quanh ông: từ gia đình đến những thầy cô giáo tận tụy mày mò cách dạy tốt nhất. Trong đó không thể không kể tới GS. Mã Truyền Trấn – người đã giúp ông phát hiện ra năng lực tiềm ẩn của mình theo học thuyết trí tuệ đa nguyên (7 loại hình thông minh), để rồi từng bước khai phá, phát huy và gặt hái thành công. Tình yêu thương vô bờ bến đó, những hi sinh cao cả dó đã cho tác giả sức mạnh để đạt được những thành tựu trong sự nghiệp và làm người đọc vô cùng cảm động.

    Cuốn sách vừa có nội dung thu hút cũng vừa có nghệ thuật đặc sắc. Bút pháp nổi bật nhất ở đây là kể thực, tả thực. Chính bút pháp đó xen lẫn với cảm xúc của tác giả đã khiến cho người dọc không kìm được nước mắt. Sách cũng có kết cấu rõ ràng, rành mạch, được viết theo trình tự không gian – thời gian giúp theo dõi hành trình Lư Tô Vỹ quyết tâm chiến thắng bản thân và trưởng thành. Cuối cùng, đây là một tác phẩm vô cùng chân thực, không lãng mạn hóa cũng không hoàn hảo hóa. Dường như tất cả những suy nghĩ và dòng cảm xúc của tác giả đã được gửi gắm hết qua ngôn từ vào cuốn hồi ký không chỉ để cho ông ngẫm nghĩ lại về một “tuổi thơ dữ dội” mà còn để độc giả suy ngẫm về cách ứng xử đối tốt với con cái.

    “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” là cuốn sách yêu thích của tôi vì những bài học tôi rút ra được từ đó. Đây không phải là cuốn sách đầu tiên viết về cách giáo dục con cái phù hợp hay cách để trở thành một con người thành đạt nhưng chắc chắn là cuốn đầu tiên khiến người đọc phải suy ngẫm và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Một trong những bài học mà Lư Tô Vỹ nhắc đến chính là việc mỗi người nên “nhìn thấy thiên tài trong chính mình”. Ông viết: “Nhìn thấy thiên tài trong mình, thấy được vẻ đẹp độc đáo của bản thân, trong phút chốc cuộc đời chúng ta sẽ đổi khác. Trong xã hội hiện đại, chúng ta theo đuổi quá nhiều những mục tiêu không thuộc về mình, mà không biết bản thân mình thực sự muốn gì. Tại sao không dừng lại xem xét bản thân, rồi mới tiếp tục xuất phát? Nhất định bạn sẽ phát hiện ra rằng, chính bản thân bạn đã là một món quà, một kho báu vô giá”.

    Lư Tô Vỹ qua cuốn sách này muốn nhắn nhủ người đọc rằng: “Cuộc sống là một món quà được bọc bên ngoài bởi nhiều lớp giấy khác nhau, chỉ có một số ít người may mắn – những người luôn giữ trong đầu một thái độ tích cực và suy nghĩ đúng đắn mới có thể xé toang từng lớp giấy để tận mắt nhìn thấy món quà này. Nó không chỉ thuộc về một ai đó, mà mỗi người trong chúng ta đều có một phần, đáng tiếc là không phải ai cũng biết đến sự tồn tại của nó; vậy xin bạn cũng hãy tin rằng, có một phần quà chưa dược mở ra đang thuộc về bạn!”. Qua những lời khuyên sâu sắc như vậy, hẳn những ai đã đọc cuốn sách này sẽ tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm cuộc sống để cố gắng vươn lên và thực hiện ước mơ, như chính tác giả đã bóc món quà dành cho mình vậy.

    “Thế giới đã qua rồi cái thời tất cả quay cuồng quanh chỉ số IQ, cũng qua rồi cái thời mọi thành công, thất bại đời người đều được lý giải bằng IQ cao – thấp bởi suy cho cùng, biết phân tích logic không phải là kỹ năng cần thiết duy nhất để sống giữa người và người. Người và người sống với nhau là phải có tình yêu thương và sự giúp đỡ, tương trợ” – đó là ý nghĩa nhân văn mà cuốn truyện “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” của Lư Tô Vỹ muốn gửi gắm tới người đọc. Đây là một quyển sách đáng để đọc và ngẫm nghĩ.

    Phạm Quỳnh Trang
    Bài viết đạt giải Nhì cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” 2017

    >> Gặp cô bé đạt giải Nhì cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan