Lớp học đảo ngược không còn là một khái niệm xa lạ với giáo dục hiện đại. Đây là mô hình học tập chủ động khi học sinh sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua hướng dẫn của giáo viên và đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng và khai thác tài liệu trên mạng. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động thảo luận, tranh biện chuyên sâu hơn cùng giáo viên.
Tiết học của cô Đỗ Như Quỳnh, giáo viên môn Hóa học, tại lớp 10C3 là một ví dụ cụ thể cho thấy việc học sinh tự học có hướng dẫn bằng mô hình Flipped Classroom đã phát huy tính hiệu quả.
Mở đầu bài học, cô giáo giới thiệu với học sinh quá trình nhà bác học Mendelev tìm ra và xây dựng bảng tuần hoàn Hóa học - một công cụ không thể thiếu khi học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này. Nhờ sự dẫn dắt dễ hiểu và trực quan của cô Quỳnh, học sinh có hứng thú hơn với một bài học nặng về lí thuyết. Điều đó thể hiện rõ trong phần thuyết trình của các học sinh về Ô nguyên tố và Chu kì - những đơn vị kiến thức quan trọng. Thông qua mô hình Flipped Classroom đã khuyến khích học sinh cùng nhau dạy và học các khái niệm, dưới sự dẫn dắt bài học của giáo viên.
Bài thuyết trình của nhóm nào cũng công phu cả về hình thức lẫn nội dung, cho thấy kỹ năng tự học, tinh thần nghiêm túc và tự giác của các học sinh trong lớp. Không những thế, các em còn vô cùng năng động và làm chủ lớp học khi dẫn dắt những thành viên khác tương tác trả lời câu hỏi trắc nghiệm mà nhóm mình đưa ra. Một tiết học trong đó cả cô và trò chỉ trao đổi thông tin qua màn hình, ấy vậy mà chúng ta không hề cảm thấy khoảng cách hay trở ngại nào. Nhằm đảm bảo chất lượng học tập, cô giáo còn sử dụng Quizizz - một công cụ phổ biến và hiệu quả - để theo dõi và quản lí việc làm bài tập của các học sinh. Điều này giải quyết nỗi lo rằng liệu các em có thực sự lĩnh hội được tri thức sau những tiết học do học sinh đồng chủ trì như thế này hay không.
Thông qua tiết học của cô Quỳnh và các học sinh lớp 10C3, chúng ta thấy được sự cân đối giữa hoạt động trình bày kết quả tự nghiên cứu ở nhà của học sinh và hoạt động truyền đạt tri thức mới của giáo viên. Đây là vấn đề mà mỗi giáo viên cần lưu tâm trong quá trình giảng dạy để đáp ứng được mục tiêu giáo dục quan trọng - hình thành cả kiến thức lẫn kỹ năng cho học sinh.