Từ xúc động đến những rung động cực điểm khi đọc “Trong lòng mẹ”

20/09/2017

    Nói về ấn tượng ban đầu khi đọc văn bản “Trong lòng mẹ” (trích “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng), có lẽ trong chúng ta ai cũng dễ dàng cảm nhận được những xúc động đắng đót từ ngòi bút khi ông viết về câu chuyện đời bất hạnh của chú bé Hồng.

    Hồng đã trải qua những thử thách không kém phần đau đớn để giữ trọn vẹn tình cảm yêu thương, kính trọng mẹ. Cuối cùng, sau bao tháng ngày chờ mong, khát khao tình mẹ của chú bé cũng được đền đáp: Hồng đã được hạnh phúc với những rung động cực điểm khi ở Trong lòng mẹ. Đoạn trích như một câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu dành cho cậu bé có tình yêu mẹ bất diệt.

    Chú bé Hồng − nhân vật chính của tập hồi kí Những ngày thơ ấu − những ghi chép chân thực và đầy cảm xúc về tuổi thơ cay đắng, bất hạnh của chính nhà văn Nguyên Hồng − lớn lên trong một gia đình sa sút. Em có một quãng đời thơ bé không tình cha, thiếu vắng tình mẹ, bị hắt hủi, ghẻ lạnh khi sống giữa gia đình người họ hàng bên nội giàu có nhưng cay nghiệt và độc địa. Hoàn cảnh đáng thương ấy của Hồng dễ khiến nhiều độc giả nhạy cảm ít nhiều xót xa, rung động.

    trong long me 1

    Trái lại với thái độ căm thù và trách móc mẹ mà bà cô cố ý gieo rắc vào tâm hồn ngây thơ, non nớt của Hồng, em vẫn luôn thương yêu và mong nhớ mẹ vô cùng. Em cố ghìm nén những giọt nước mắt chua chát khi luôn phải nghe những lời mỉa mai, gièm pha xấu xa, cay độc về mẹ từ bà cô.

    Hồng hiểu mẹ, hiểu được vì hoàn cảnh mà mẹ em phải bỏ con mà đi tha hương cầu thực. Em đã khóc vì thương mẹ bị người đời − mà không ai khác chính là những người họ hàng cùng máu mủ, ruột thịt − lăng nhục, đối xử bất công. Em khóc vì thân trẻ yếu đuối, cô đơn không sao bênh vực được mẹ. Càng thương mẹ, em càng căm ghét những hù tục phong kiến vô lí, tàn nhẫn đã đày đọa, trói buộc mẹ em. Chính tình thương mẹ đã khiến cho Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những con người tâm địa xấu xa, những cổ tục đáng phê phán và loại bỏ.

    Chính tình thương mẹ làm em phải trở nên già dặn trước tuổi, phải gồng mình để trở nên mạnh mẽ trước những lời lẽ đau đớn như dao đâm, những tâm địa tanh bẩn, những định kiến cay nghiệt… hướng vào mẹ em. Nguyên Hồng viết lên những điều đó là để thương cho bé Hồng và cũng là để xót xa cho những người phụ nữ đáng thương như mẹ của Hồng?

    Thương cho hoàn cảnh bất hạnh của Hồng, ta lại càng thêm trân trọng, khâm phục tình yêu thương mãnh liệt em dành trọn vẹn cho mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó ở Hồng được biểu hiện vô cùng xúc động trong lần gặp mẹ. Ngay từ khi tiếng gọi mẹ bối rối nhưng chất chứa biết bao khao khát mong chờ được gặp mẹ của Hồng bật ra, có biết bao trái tim đồng điệu cũng chung những nhịp đập thồn thức, những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại trong khoảnh khắc hạnh phúc vô bờ.

    Rồi giây phút được mẹ đưa đôi bàn tay dịu hiền vuốt ve, ôm ấp, vỗ về, Hồng say sưa tận hưởng những cảm giác êm dịu, những rung động tột cùng của cảm xúc khi được ngồi trong lòng mẹ. Em đã oà khóc vì hạnh phúc, vì cả những tủi hờn, cay đắng, những uất ức dồn nén được giải toả. Niềm hạnh phúc ấy của Hồng không chỉ là khao khát của riêng mình em; đó là mong muốn, là ước mơ, là khát khao của mọi đứa trẻ trên cõi đời này. Những rung động cực điểm của bé Hồng khi gặp mẹ càng chứng tỏ tình thương mẹ của Hồng là sâu đậm, là nồng thắm, là vẹn nguyên bất chấp tất cả thời gian xa cách và sự ngăn cản của lễ giáo phong kiến hà khắc đối với người phụ nữ nói chung và đối với mẹ Hồng nói riêng.

    Tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ thật đẹp đẽ, thiêng liêng và xúc động. Nguyên Hồng đã mang đến cho chúng ta một thế giới tâm hồn, tình cảm thật phong phú với tất cả những rung động vi diệu nhất của cảm xúc. Với giá trị tinh thần lấp lánh ánh sáng nhân đạo của tình người, thế giới ấy luôn hướng chúng ta đến những giá trị chân – thiện – mĩ để chúng ta sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Trong lòng mẹ chính là lời khẳng định chân thành và cảm động về sự bất diệt của tình mẫu tử.

    Cô giáo Phùng Thị Thanh Vi

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan