Các môn Khoa học Xã hội ngày nay không chỉ xoay quanh cách học thuộc lòng theo khuôn mẫu nữa. Việc học không chỉ dừng lại trên sách vở, các thầy cô tại Archimedes School luôn cố gắng tạo ra những hoạt động dự án để học sinh được trải nghiệm và kết nối nhiều hơn với môn học. Tại tiết học môn Địa lí của cô Phan Thị Hương, các "thần dân" 11A2 bỗng chốc trở thành các chuyên gia nghiên cứu Một số vấn để thú vị về Châu Phi một cách đầy thể nghiệm, với nhiều góc nhìn đa diện.
Cô Hương hướng dẫn học sinh tiến hành thu thập thông tin và nghiên cứu về lục địa Châu Phi trên các lĩnh vực: Tự nhiên, Kinh tế, Dân cư và xã hội. Cả lớp được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm đóng vai trò như một cơ quan phụ trách một lĩnh vực nói trên của châu Phi và có nhiệm vụ giải đáp ba câu hỏi mà cô giáo đưa ra. Học sinh có một tuần để triển khai dự án và hoàn thành sản phẩm là bài thuyết trình về các vấn đề liên quan đến châu Phi thời hiện đại.
Lần lượt các chuyên gia 11A2 đã trình bày thành quả nghiên cứu về một Châu Phi giàu tài nguyên, khí hậu khắc nghiệt, nhiều vấn đề xã hội nan giải.
Nhóm chuyên gia số 1 đến từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Tự nhiên ở châu Phi tiến hành giải đáp các vấn đề: Châu Phi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là các khoáng sản quý hiếm? Vậy tại sao các nước Châu Phi vẫn nghèo nhất thế giới? Vì sao khí hậu châu Phi nóng và khô hạn?
Nhóm chuyên gia số 2 đến từ Trung tâm Dân số và Các vấn đề xã hội Châu Phi cũng có những kiến giải thú vị về lĩnh vực mà mình nghiên cứu, liên quan đến vấn nạn HIV/AIDS hay nạn đói ở các nước Châu Phi.
Nhóm chuyên gia số 3 đến từ Trung tâm Phát triển kinh tế Châu Phi đưa ra những câu trả lời thú vị xoay quanh tình hình kinh tế ở các quốc gia thuộc châu lục này.
“Với cách học như vậy, học sinh sẽ rèn luyện được tính tự chủ, học cách giao tiếp với nhau, tư duy phản biện khi làm việc nhóm và đặc biệt là phát huy được khả năng sáng tạo không ngừng của học sinh.”
Thông qua phương pháp học này phản ánh sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận nội dung sang mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; tạo dựng được góc nhìn đa chiều cho học sinh trong việc nhận xét, đánh giá, phản biện về các vấn đề trong Địa lí.
Sau mỗi phần thuyết trình, giáo viên đều khái quát lại những nội dung kiến thức trọng tâm mà học sinh cần ghi nhớ. Điều này vô cùng quan trọng bởi vì các em luôn luôn phải được định hướng một cách hợp lí cả trước, trong và sau quá trình tự học. Chất lượng học tập phụ thuộc rất lớn vào sự tương tác liên tục như vậy giữa giáo viên và học sinh. Bên cạnh những ứng dụng công nghệ thì việc dạy và học vẫn đòi hỏi các thầy cô đồng hành với học trò chứ không chỉ đưa ra nhiệm vụ học tập rồi để các con loay hoay với bể kiến thức rộng lớn.