[AS] Thầy Nguyễn Trung Quân: Toán học = Phát triển tư duy + Sáng tạo

26/09/2020



    Khi đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Trung Quân thu hút học sinh bởi cách dạy Toán tập trung vào việc khuyến khích các em phát triển tư duy, sáng tạo. Sau bục giảng, anh trở về là một người giản dị, coi Toán học như một trò chơi và mình là người khát khao chiến thắng.

    Chia sẻ về con đường chinh phục Toán học, thầy giáo Nguyễn Trung Quân cho biết đã xem Toán là một niềm đam mê bắt đầu từ khi lên cấp 2. Khi ấy, "cậu học sinh" Nguyễn Trung Quân thi đỗ trường Hà Nội - Amsterdam, mối lương duyên với Toán học dần trở nên đặc biệt hơn nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô cũng như được gặp gỡ những người bạn có chung đam mê, sở thích. 

    Sau khi nhận được học bổng sang Singapore, rồi sang Mỹ học Đại học, tưởng như đã chuyển hướng sang một mục tiêu khác. Nhưng với mối lương duyên với Toán học, rồi những cuộc thi Toán học quốc tế, sự động viên của các giáo sư, "cậu sinh viên" quay lại nghiên cứu Toán học. Bước ngoặt quan trọng nhất là sau khi liên tục đạt thành tích tốt tại các cuộc thi Toán học và kỳ thi Putnam dành cho sinh viên các trường đại học ở Mỹ, anh trở thành 1 trong 5 sinh viên xuất sắc nhất được Hiệp hội Toán học Mỹ (MMA) trao học bổng toàn phần cho khóa học ở Mát-xcơ-va trong vòng 4 tháng. 

    Anh chia sẻ đây là khoảng thời gian đáng nhớ và vui vẻ nhất khi đi học của mình. Ở Nga, khi ấy là mùa đông, thời tiết rất lạnh, mọi người ở trong khu kí túc xá cũ. Dù sinh hoạt khó khăn, nhưng đó cũng là thời gian được "ăn với Toán, ngủ với Toán". Có thời điểm, thời tiết rất xấu, tuyết rơi dày đặc, các lớp học buộc phải hủy, hàng ngày, nhóm sinh viên tự bảo nhau dậy sớm, tự chuẩn bị tìm hiểu mỗi người một chủ đề rồi giảng cho nhau. Ngày qua ngày, anh nhận ra rằng: Toán học chính là niềm vui, là sự tìm kiếm của bản thân bấy lâu nay. 

    Quay trở lại Mỹ sau khoảng thời gian học tập ở Nga và Hungary, anh quyết định quay trở lại con đường Toán học: hoàn thành bằng Thạc sĩ Toán và học tiếp lên nghiên cứu sinh.

    “Toán học mang lại điều gì? Người học toán để làm việc khác thì toán học đem đến cho người học khả năng tư duy tốt. Nhiều lúc ta có thể nhìn thấy thứ mà người khác thấy bình thường, ở một khía cạnh hoàn toàn khác và tạo được những đột phá trong công việc. Với những người nghiên cứu toán học, đó đơn giản là một niềm đam mê. Có một niềm đam mê trong toán học và tò mò về nhiều thứ”.

    Lớn lên với tình yêu Toán học được thắp lửa bởi gia đình, sau đó có thời gian dài học tập, cọ xát qua các cuộc thi Quốc tế, "cậu học sinh" Nguyễn Trung Quân ngày nào đã trở thành một trong những người trẻ nghiên cứu Toán học với nhiều những góc nhìn thú vị.



    Nói về lí do vì sao lại chọn trở thành giáo viên dạy Toán, thầy Nguyễn Trung Quân chia sẻ, một phần là vì đam mê với Toán, một phần cảm thấy mình hợp với nghề này. Từng trải qua rất nhiều các cuộc thi Toán học trong nước lẫn quốc tế, thầy giáo trẻ hiểu được áp lực của việc học và thi đối với học sinh. Mỗi lần đối diện với một cuộc thi, bản thân không đặt mục tiêu thành tích, mà chỉ là muốn giải thật tốt bài toán, thử thách đặt ra để thỏa mãn niềm vui chinh phục của chính mình. Việc giải toán là một quá trình, nên những việc cần làm trước mỗi kì thi chỉ là đưa cơ thể và đầu óc mình về lại một trạng thái tốt nhất.

    Trả lời cho câu hỏi làm sao để học giỏi Toán, theo thầy Quân, chỉ cần thích Toán là được. Nếu như để trở thành “siêu sao” trong Toán học thì tư chất, môi trường là rất quan trọng. Nhưng nếu chỉ là học giỏi Toán thì có lẽ điều cần nhất chính là sự kiên trì và không nản lòng, bỏ cuộc giữa đường. 

    Học sinh Việt Nam có nhiều tố chất để học giỏi Toán: các em chăm chỉ, cần cù, môn Toán cũng rất được coi trọng trong nhà trường… Thế nhưng, còn nhiều điểm yếu cần khắc phục để môn Toán trở thành thế mạnh, và toán học được phát triển tốt nhất. Thầy Quân vẫn thường trò chuyện với học sinh của mình, học đến đâu là để cho bản thân mình chứ không phải để thi với những người xung quanh. Thi cử nên trở thành động lực để học sinh bứt phá tư duy chứ không phải là để tạo thêm áp lực cho các em.

    Đứng trước sự lựa chọn học Toán để phát triển tư duy hay học Toán theo “kỹ thuật”, thầy chọn học Toán để phát triển tư duy. Bởi kỹ thuật làm Toán để học thì chỉ cần có khuôn mẫu, nhưng làm sao để tư duy mới là cái khó. Bởi không chỉ trong Toán, việc tư duy tốt sẽ giúp người học ứng dụng rất nhiều sau khi bước chân ra khỏi cánh cửa trường học. Để làm được điều đó, cần phải tạo khoảng không sáng tạo cho học sinh. 

    Để phát triển tư duy Toán học không có cách nào khác là người học phải rèn luyện, tự làm càng nhiều càng tốt. Đối với việc dạy Toán, thầy sẽ cố gắng đưa cho học sinh những kiến thức quan trọng nhất có thể. Bắt đầu từ việc xây nền tảng kiến thức cơ bản, sau đó đưa ra những bài toán để khai mở từng bước cho học sinh. Những bài toán này, học sinh có thể giải sau 1 ngày, 2 ngày, thậm chí là 1 tuần hoặc lâu hơn, nhưng là tự các em tìm ra. Đó là cách người thầy trẻ khuyến khích học sinh của mình chủ động phát triển kiến thức, tìm ra những cách giải bài sáng tạo. 

    Người thầy có thể từ từ đưa ra gợi ý cho những bài toán khó. Nhưng “nếu dạy học sinh quá nhiều bài tập, đồng thời lại cho học sinh quá nhiều câu trả lời, đến một lúc nào đó, học sinh sẽ phụ thuộc vào việc này và không tự phát triển được bản thân”, thầy Quân cho biết.


     

     

    Người học Toán cần môi trường và toán học cũng cần một môi trường để phát triển. Theo thầy giáo Nguyễn Trung Quân, đó là môi trường để học sinh có thể học và tiếp xúc nhiều nhất có thể về môn Toán. Môi trường đó tạo cho học sinh cách học không quá dập khuôn. Cho các con cảm giác có khoảng không để tự sáng tạo. Ở đó, ngoài sách giáo khoa, những tư duy mới về Toán học cũng được đưa vào và có điều kiện để phát triển. Toán học cũng cần một môi trường mà người học có nhiều bạn để chia sẻ. Ví dụ như môi trường ở Archimedes School, chia thành các lớp chuyên Toán. Như vậy, khi có các bạn xung quanh có chung niềm đam mê, người học sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, có người nói chuyện, cùng chia sẻ, hỗ trợ cho nhau… 

    Người thầy trẻ cho biết: thật ra với trẻ nhỏ, cuộc sống hàng ngày của các em không chỉ có trường học, sách vở, thi cử… như nhiều người vẫn nghĩ mà đa dạng hơn rất nhiều. Với bản thân khi còn nhỏ, nếu chưa tìm ra cách để giải một bài toán, anh có thể chơi cờ vua, đọc sách, chơi boardgame… Đó là lý do thầy Quân không mong muốn học sinh của mình bị bất cứ sức ép vô hình nào từ kỳ vọng của bố mẹ hay thầy cô. 

    Học giỏi không phải chỉ là GIỎI TOÁN! “Các em cố gắng đừng có nhìn người khác. Mỗi người đều có một con đường riêng của mình”. Nếu các em đam mê với Toán, các em có thể tiếp tục tìm hiểu và kiên trì với nó. Nếu có đam mê với cái khác thì hãy theo đuổi đam mê cái khác đó. Người lớn cần kiên nhẫn nhiều hơn, đừng đặt sức ép quá lớn cho cho các con. Hãy cho con thời gian để con tự tìm thấy con đường riêng một cách tự nhiên.

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan