Những câu chuyện về mẹ luôn khiến người đọc rơi nước mắt và “Hãy chăm sóc mẹ” của tác giả Shin Kyung-sook là một trong những câu chuyện như thế. Đây cũng là cuốn sách mà Tủ sách Arcers của Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh muốn chia sẻ tới các Arcer qua phần giới thiệu giàu cảm xúc của bạn Nguyễn Châu Anh (6C2).
Cho tháng 10 thật đặc biệt với ngày kỷ niệm quan trọng dành cho các bà, các mẹ và các cô - ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng Châu Anh đọc, cảm nhận và đừng quên chia sẻ tình cảm của mình Arcers nhé!
Với những người yêu mến văn học Hàn Quốc, đặc biệt là các tác phẩm về gia đình thì “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung-sook không còn là một tác phẩm quá xa lạ. Ở đó, Shin Kyung-sook đã vẽ nên khung cảnh xứ xở Kim chi đầy mới lạ. Chẳng còn là những ánh đèn sân khấu lập lòe xanh đỏ, chẳng còn là nơi phố xa đông vui, huyên náo, chẳng còn là những sắc màu sặc sỡ, trong câu chuyện, nó chỉ đơn thuần là một chốn yên bình, tươi thắm và cũng đầy trắc ẩn. Nơi ấy, có một người phụ nữ tảo tần, có một bà mẹ sẵn sàng làm tất cả vì con, có một người vợ chu toàn tên là Park So-nyo.
Từ cái thời con gái tươi đẹp, bà đã bị ép buộc vào một cuộc hôn nhân ngay từ lần đầu gặp mặt chỉ vì 2 người có số tử vi hợp nhau. Thế rồi những tháng ngày tự do cũng dần biến mất, bà bị gò bó vào cuộc sống gia đình, vào những công việc đồng áng, tất bật lo lắng cho từng đứa con, luôn bên căn bếp nhỏ.
Mẹ trong tâm trí ta luôn luôn gắn liền với bếp vậy đã bao giờ bạn tự hỏi liệu mẹ có thực sự yêu căn bếp không hay chưa? Cô con gái của bà vẫn mãi nghĩ rằng: “Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ” bởi lẽ ở nơi đây cô luôn tìm thấy hình bóng của người mẹ. Mẹ làm lụng không kể thời gian để nấu mâm cỗ Tết Trung Thu với con cá đuối to bằng cái vung nồi lớn; nấu bát canh rong biển hay những bữa cơm thịnh soạn với “thịt bò hầm, cá đố chiên và kim chi lá vừng mẹ mang từ nhà lên”. Không ở trong căn bếp, người mẹ lại gắn liền với thửa ruộng, với mảnh vườn nhỏ.
“Vào mùa xuân, mẹ gieo hạt khoai tây trên các luống cày, trồng rau diếp, hoa cúc, cẩm quỳ, hẹ, các loại ớt và ngô. Mẹ đào những cái hốc nhỏ dưới hang rào để trồng bí ngô xanh, tra hạt đậu xung quanh vườn. Mẹ còn trồng cả vừng, dâu tằm và dưa chuột… Vào những ngày xuân, ngoài sân lúc nào cũng thả đầy gà vịt, trong chuồng có cả đàn lợn con béo tròn mũm mĩm” - một đoạn trích trong tác phẩm về việc làm của mẹ, nhưng có lẽ ngần đó vẫn chưa đủ. Bà mẹ trong câu chuyện nói riêng, và toàn thể những người mẹ trên thế giới nói chung chính là những người phụ nữ tuyệt vời nhất, những người có thể làm tất cả để ta có bữa ăn ngon, có giấc ngủ say.
Bà cũng là người luôn đứng đằng sau, dõi theo bước đi của từng nguời con. Bà ủng hộ cô con gái Chi-hon thành nhà văn giỏi; ngóng trông người con cả Hyung-chol thành công với giấc mơ trở thành một công tố viên xuất sắc. Bà luôn cánh cánh trong lòng nỗi lo toan với những người con của mình. Bà làm tất cả để các con được đi học, để biết đến cái chữ dù gia đình có phải chi tiêu tùng tiệm đến đâu. “Để kiếm tiền, mẹ đã làm đủ nghề, từ nuôi tằm, ủ mạch nha cho đến giúp làm đầu phụ. Nhưng cách tốt nhất để có tiền là không tiêu tiền, vì thế mẹ rất tiết kiệm”. Có lẽ, bà hiểu được rằng, con đường học hành là con đường duy nhất để dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, dư giả hơn, vì thế bà không muốn các con bước vào vết xe đổ của mình để rồi mai sau mắc kẹt ở vùng quê nghèo khó, gắn với những công việc chân tay, lấm lem bùn đất.
Trong hành trình trưởng thành của các con, bà cùng vui, cùng buồn. Bà hãnh diện khi con mình là học sinh xuất sắc nhất cái thị trấn nhỏ, đỗ vào khoa dược của trường đại học danh tiếng nhất Seoul, bà nầng niu, trân trọng những cuốn sách, những thành quả của con con gái Chi-hon. Bà buồn khi cậu anh cả - người con bà yêu nhất thất bại trong lần thi đại học đầu tiên nhưng tình cảm bà dành cho anh vẫn không đổi đôi, luôn sát cánh, động viên.
Người phụ nữ ấy thật vĩ đại, thật lớn lao những chưa một ai nhận ra nó cho đến khi bà bị lạc. Và cũng từ đây, bạn đọc cuốn theo hành trình của những đứa con đi tìm mẹ, của người chồng đi tìm vợ, của bao hồi ức mở ra và của cả những phút giây lắng đọng.
Sau ngày tuột tay chồng ở ga tàu điện ngầm đông đúc khi từ quê lên thành phố, câu chuyện đã mở ra, từng chặng đường, từng bước đi đã vẽ nên bức tranh gia đình mà chính người đọc cũng phần nào thấy mình phản chiếu trong đó. Cũng từ đó mà những đứa con mới chợt nhận ra sự vô cảm của mình với mẹ, sự thờ ơ và luôn dựa dẫm vào mẹ.
Ngay từ tình huống đầu tiên, khi cô con gái Chi-hon của bà viết tờ rơi đi tìm mẹ, tất cả mới bàng hoàng nhận ra rằng đến tuổi của mẹ mình cũng chẳng rõ là bao nhiêu. Tất cả những điều họ chắc chắn chính là ngoại hình của bà – người phụ nữ với mái tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi màu xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be với đôi mắt thật thà như những chú bê. Rất nhiều người trong chúng ta vẫn mãi nghĩ rằng mình hiểu mẹ nhất, ai hỏi gì về mẹ chúng ta đều có thể trả lời như người mẹ hiểu lòng ta nhưng đến giây phút như vậy, ta mới chợt nhận ra mình đã quá vô tâm, mình chẳng hiểu gì về mẹ.
Và cũng đã bao giờ bạn mong muốn làm điều gì đó với mẹ chưa? Tôi tin chắc rằng phần lớn trong chúng ta đều trả lời là không, cũng như cô con gái của bà. Những ngày đầu năm cô viết ra bao nhiêu dự đinh: muốn đọc sách cho trẻ em khiếm thị, muốn học tiếng Trung Quốc,… Tất cả, tất cả đều thật tốt đẹp, thật ý nghĩa,thế nhưng không một dự định nào cô muốn làm cùng mẹ. Ấy vậy mà, với mẹ, mọi mong muốn của bà đều dành cho những người xung quanh, dành cho người bà yêu thương nhất là các con và gia đình.
Còn đối với chồng bà, khi không thấy bà nữa ông mới chợt nhận ra bà là vợ của mình bởi lẽ đối với ông, bà lúc đầu chỉ đơn giản là mẹ của những đứa con. Từ ngày về ở chung, người chồng muốn đi thì đi muốn về thì về và chẳng mấy khi quan tâm đến bà. Trong phút giây bồng bột của mình, ông cũng từng làm tổn thương bà, cũng khiến người đọc trách móc rất nhiều. Có lẽ câu mà ông nghe nhiều nhất từ bà suốt cả cuộc đời là “Ông đi chậm một chút”. Giá như hôm đó ông nghe lời bà thì đâu có thể xảy ra cơ sự này kia chứ. “Tôi đã về đây” câu mà ông thường nói với bà sau những lần đi du ngoạn khắp nơi trở về thì giờ đây chỉ câu nói đó từ bà thôi cũng đã đủ lắm rồi.
“Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra. Khoảnh khắc mà người đó nghĩ: Lẽ ra mình không nên làm vậy.”- một đoạn trích nhỏ trong tác phẩm đã để lại ấn tượng đẹp.
Người mẹ bị thương ở mu bàn chân, đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, ruồi muỗi vây quanh vết thương đang rỉ mủ , sau ngày bị lạc ở ga tàu điện ngầm Seoul, đã đi tới bao nhiêu nơi. Bà ghé qua con phố nơi đứa con trai cả đã từng thuê trọ rồi lại chợt biến đi trong gang tấc. Mấy ngày đầu những cuộc gọi đến còn nhiều nhưng càng về sau càng thưa dần rồi dường như mọi tung tích về mẹ cũng chẳng còn nữa.
Park So-nyo - người vợ, người mẹ đã hi sinh cả thanh xuân, bỏ quên chính mình để lo cho gia đình. Câu chuyện tìm mẹ của họ sẽ ra sao, liệu người phụ nữ ấy có thể trở về với gia đình hay không không phải là nỗi day dứt lớn lao nhất trong tim độc giả. Điều khiến ta suy ngẫm nhiều nhất chính là hình bóng của mình trong từng nhân vật, là cách mà ta đã nỡ bỏ quên người phụ nữ tuyệt vời của đời mình. Hãy đọc “Hãy chăm sóc mẹ” để suy ngẫm lại về chính mình. Hãy đọc nó để hiểu thêm lòng mẹ để đi sâu vào góc khuất của trái tìm người mẹ.
Những con chữ, câu văn của Shin Kyung-sook có lẽ sẽ in sâu trong tâm trí ta mãi. Nó nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương mẹ, biết ơn mẹ ngay bây giờ chứ không phải một mai khi ta thành công. Giá trị của tình mẫu tử là một giá trị tinh thần cao quý. Những việc nhỏ nhất, bình dị nhất nhưng tới từ sâu thẳm trái tim của ta khi dành cho mẹ sẽ trở thành một điều lớn lao, một động lực vì mẹ biết rằng vẫn có người luôn kề bên. Hãy yêu mẹ như tình yêu mẹ dành cho ta, hãy trân trọng mẹ khi ta còn có thể.
Arcer Nguyễn Châu Anh (6C2 - ADAS)