Theo Vietnamnet
Ở mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, tất cả học sinh của lớp 9C1 Trường THCS Archimedes Academy đều trúng tuyển vào các trường chuyên.
Đến thời điểm này, dù chưa biết kết quả vào các trường THPT chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhưng 19/19 học sinh của lớp 9C1 Trường THCS Archimedes Academy đã trúng tuyển khối chuyên Toán và chuyên Tin của THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT Chuyên ĐH Sư phạm.
Đầu năm nay, sĩ số của lớp 9C1 là 21 học sinh, tuy nhiên, đến cuối học kỳ 1 chỉ còn 19 học sinh (17 nam, 2 nữ), bởi có 2 học sinh của lớp giành được suất học bổng du học tại Singapore.
Cụ thể, 16/19 em trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, trong đó, có 3 em được tuyển thẳng do giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố; 14/19 em trúng tuyển Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm.
Trong số 19 học sinh của lớp có 11 em đỗ cả 2 trường chuyên này. Nhiều học sinh có thành tích rất nổi trội, giành thủ khoa hoặc trong top đỗ cao.
Được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Toán vì giành giải Nhất thi học sinh giỏi Toán của Hà Nội, nhưng Phạm Duy Nguyên Lâm muốn thử sức nên vẫn đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên ở khối chuyên Tin (do theo quy định, thí sinh không được thi khối chuyên mà mình đã được tuyển thẳng) và trở thành thủ khoa với 27 điểm.
Ba bạn học cùng lớp với Lâm là Bùi Minh Đức và Phạm Hiển Vinh, Bạch Gia Bảo lần lượt lọt top 3 và top 5, top 7 điểm cao dự thi vào khối chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Võ Quốc Bá Cẩn, giáo viên chủ nhiệm và dạy Toán lớp 9C1 Trường THCS Archimedes Academy cho hay hạnh phúc vì kết quả mà các học sinh đạt được.
“Năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế việc tụ tập đông người nên mình không đến các điểm để đợi học sinh ở cổng trường như mọi năm. Thay vào đó, mình vào website của các trường liên tục chỉ để ngóng thông tin điểm thi và điểm chuẩn”, thầy Cẩn kể.
Việc tất cả học sinh trong lớp đỗ chuyên không phải là điều gì đó vượt quá sức tưởng tượng. Năm ngoái, học sinh lớp 9C1 do thầy Cẩn chủ nhiệm cũng đỗ chuyên 100%.
Người thầy phải truyền được cảm hứng
Thầy Cẩn cho hay, lớp 9C1 năm nay khá đặc biệt khi thầy nhận chủ nhiệm từ một giáo viên khác.
“Thường ở trường tôi, các giáo viên sẽ theo các em suốt cấp THCS. Cũng vì vậy mà khi mình nhận lớp từ hè năm lớp 8 cũng rất thử thách. Bởi các em phải bắt nhịp lại với phong cách dạy học của mình. Do đó, đối với khóa này, mình phải xây dựng một phương pháp dạy riêng cho các em”.
Ngoài dạy học trên lớp, thầy Cẩn thường soạn thêm bài tập gửi lên nhóm Facebook của lớp để các học sinh làm. Ngoài ra, thầy yêu cầu học sinh phải 'chạy deadline'. Mỗi lần gửi bài tập kèm theo yêu cầu giải quyết trong thời gian bao lâu, ngày nào, mấy giờ phải nộp bài cho thầy.
Theo thầy Cẩn, để lớp đạt được kết quả như ngày hôm nay, chính bản thân mình - là người thầy - phải truyền được cảm hứng cho các em. Trên Facebook cá nhân của thầy Cẩn, hầu như chỉ đăng tải các bài toán, đề toán.
“Nếu bản thân thầy không say mê thì không thể nói học sinh nghe được. Mình muốn lan tỏa niềm đam mê, hứng thú đó cho học sinh. Học trò thấy thầy mê như vậy thì chắc chắn sẽ có tác động ít nhiều lên các em”.
Vì vậy, thầy Cẩn cũng thường xuyên tìm cách động viên, khích lệ tinh thần của học sinh. Khi học trò bị điểm thấp trong những lần thi thử, thầy Cẩn cũng nhắn tin chia sẻ, mách học sinh rút kinh nghiệm ở những đầu việc cụ thể,...
Những điểm mạnh, điểm yếu của từng học trò được thầy giáo trẻ tỉ mẩn ghi chép và trao đổi lại với phụ huynh. Đồng thời, tư vấn cho học sinh và phụ huynh việc chọn trường và nguyện vọng sao cho phù hợp.
“Sau tư vấn của mình, nếu học sinh vẫn rất thích thú với việc thi một trường nào khác hoặc khối chuyên khác, thì mình luôn tôn trọng sự lựa chọn và quyết tâm của các em. Khi đó, mình tìm cách động viên các em quyết tâm hơn trong việc học”, thầy Cẩn nói.
Một điều quan trọng khác theo thầy Cẩn là sự gần gũi và coi học trò như những người bạn. Thầy trò cũng thường xuyên đi dã ngoại, đá bóng, đi xem phim,... cùng nhau.
“Nếu chỉ tiếp xúc với nhau trên trường khi học tập, thì thầy trò sẽ khó gần gũi để có thể tin tưởng chia sẻ mọi điều. Khi học sinh không chia sẻ, mình sẽ rất khó khăn để nắm bắt được tâm lý, điểm mạnh, điểm yếu của các em. Như vậy sẽ không thể giúp các em cải thiện những điểm chưa tốt. Mình muốn xòa nhòa khoảng cách, nên trong nhóm chung cũng như trên lớp, thi thoảng mình vẫn đưa ra những câu trêu đùa. Mình cũng thường xuyên chia sẻ những bài viết, câu chuyện, video hay về giá trị cuộc sống, về cách làm người, hoặc ý nghĩa của việc học Toán, cuộc đời những người nổi tiếng,...”.
Theo thầy Cẩn, sự gần gũi, thoải mái đó có lẽ phần nào giúp học sinh của mình có được tinh thần và kết quả học tập tốt.
Quý Hải