Một giáo viên dạy Ngữ Văn cần có một tinh thần tự do để trao đi cái đẹp và kiếm tìm cái đẹp

27/11/2020

    Văn học có ảnh hưởng nhất định đến giáo dục và hình thành nhân cách của các con học sinh. Thông qua các câu chuyện và sức nặng của ngôn từ, văn học truyền tải những thông điệp, bài học ý nghĩa, từ đó giúp học sinh có những thay đổi nhận thức, thái độ và tự điều chỉnh hành vi của mình. Cùng lắng nghe chia sẻ của cô Mai Thị Lan Anh, giáo viên môn Ngữ Văn- Trường Tiểu học, THCS & THPT Archimedes Đông Anh về những điều diệu kỳ mà văn học đem lại.

    Hạnh phúc của tôi là được lan tỏa tình yêu thương, truyền tới các con những thanh âm lạc quan của hiện tại và tương lai. Và có lẽ, câu chuyện tôi sắp kể sẽ là câu chuyện mà tôi nhớ mãi trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng của mình. Các con học sinh ở lứa tuổi này thường rất nhạy cảm, đâu đó, một số bạn còn bướng bỉnh, đôi lần khiến thầy cô buồn. Trong lớp tôi giảng dạy cũng có một bạn học sinh như vậy. Con tự mặc định không ai yêu quý hay thấu hiểu mình, không hợp tác trong giờ học, khó kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, chống đối và bất cần với mọi thứ xung quanh. Nhưng tôi luôn tin rằng con vẫn là đứa trẻ ngoan và có bản tính tốt đẹp. 

    Hai năm trực tiếp giảng dạy con là khoảng thời gian đầy thử thách nhưng vô cùng ý nghĩa của tôi. Tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho cậu học trò bướng bỉnh này, từ khuyên nhủ, tâm sự đến hướng dẫn con cách giải quyết, cư xử phù hợp hơn trong những tình huống không như ý. Những ngày đầu, con vẫn tỏ ra lạnh lùng, bất cần, thế nhưng sự quan tâm chân thành, sự kiên trì bền bỉ của thầy cô và cha mẹ đã giúp con gỡ bỏ vỏ bọc xấu xí của mình, trở thành đứa trẻ hiểu chuyện. Con trở nên biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết yêu thương mọi người.

    20/11 vừa qua, tôi nhận được bài viết “Thầy cô trong em” viết về mình. Tôi thực sự hạnh phúc. Niềm hạnh phúc không chỉ bởi đó là những dòng suy nghĩ chân thành và xúc động của con – cậu học trò bướng bỉnh hôm nào, mà còn hạnh phúc về sự thay đổi của con ngày hôm nay.

    Bởi vậy, tôi tin rằng, bên cạnh các phẩm chất và năng lực thường thấy ở giáo viên như yêu trẻ, tâm lí, chân thành và chuyên môn tốt,… thì một giáo viên dạy Ngữ Văn cần có một tinh thần tự do để trao đi cái đẹp và kiếm tìm cái đẹp, nhất là cái đẹp trong tâm hồn của các con học sinh thân yêu. Hãy cho các con được tự do nhìn nhận thế giới, biết trân trọng những điều tốt đẹp xung quanh, tạo dựng những điều tử tế để trở thành con người có khát vọng và biết yêu thương.

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan