Một ngày của “anh nuôi”

01/12/2017

    Một ngày của các Bếp viên trường Tiểu học Archimedes Academy thường bắt đầu từ 6 giờ 15 phút sáng, khi hầu hết Arcers chỉ mới bắt đầu chào bình minh. Thế mà các cô chú ấy đã ra đường từ rất sớm để có thể bắt đầu công việc đúng giờ, chuẩn bị cho các bạn nhỏ những bữa ăn sáng nóng hổi, giàu dinh dưỡng cho một ngày học tập thật nhiều năng lượng.

    Đến trường sớm nhất

    Hơn 6 giờ sáng, những cô chú Bếp viên gặp nhau trên tầng 5 của toà nhà A, nhanh chóng thay những bộ đồ đi đường bằng bộ đồng phục của công việc. Đố Arcers biết đồng phục của các cô chú ấy màu gì? Nếu như toàn trường diện những chiếc áo trắng tinh khôi thì màu đen lại là lựa chọn an toàn của các cô chú Bếp viên bởi nó khiến những bộ đồ luôn được như mới, chẳng hề ố vàng khi thường xuyên “đối đầu” với dầu mỡ đến từ thức ăn.

    Mỗi sáng sớm, 15 cô chú Bếp viên lập tức bắt đầu công việc với quy trình quen thuộc: nhập thực phẩm, sơ chế nguyên liệu, chế biến món ăn, chia đồ, thu dọn, tổng vệ sinh. Quy trình ấy lặp lại tới 3 lần mỗi ngày tương ứng với 3 bữa ăn/ngày của các bạn Arcers nên thường thì chẳng mấy khi thấy các cô chú ấy “ngồi không”. Nhóm sơ chế thịt, nhóm sơ chế rau, nhóm nấu chính, nhóm chia đồ, nhóm rửa dọn… tất cả vận hành như một cỗ máy liên hoàn để đảm bảo quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm.

    1-DSC00128

    Là người nấu nướng ra món ăn nhưng các cô chú Bếp viên luôn dùng bữa ăn sau tất cả mọi người, khi đã hoàn tất việc dọn dẹp nhà ăn sau mỗi bữa. Vì vậy mà phải đến 4 rưỡi, 5 giờ chiều, các cô chú ấy mới tan làm. Và tổ Bếp cũng có một nhân vật hết sức đặc biệt mà có lẽ Arcers chẳng thấy bao giờ – người đến làm lúc 8 giờ tối và ra về lúc 6 giờ 30 sáng. Chú làm ca đêm có nhiệm vụ chuẩn bị những món ăn sáng cần hầm kĩ và sấy khử trùng dụng cụ ăn uống. Có thế mới kịp phục vụ Arcers những bát cháo nóng hổi vào lúc 7 giờ sáng chứ nhỉ?

    Yêu mùa thu nhất

    Mùa thu ư? Ai mà chẳng thích! Thế nhưng có lẽ các cô chú tổ Bếp là người thích mùa thu nhất bởi tiết trời mát mẻ và khô ráo thì nghề bếp cũng đỡ vất vả. Nóng quá mà đứng bên bếp thì như thiêu đốt, mồ hôi túa ra ướt đẫm cả chiếc áo đồng phục dày dặn. Mà lạnh quá phải ngâm tay vào nước, dù có những lúc được đeo bao tay, thì tay chân không nẻ cũng nhức. Những cảm giác đó không thích chút nào…

    2-DSC00146

    Những vất vả của công việc cũng chưa nhọc bằng những vất vả của nghề làm-dâu-trăm-họ đâu nhé. Hơn 1.200 con người cùng thưởng thức một bữa trưa, sẽ có người thấy ngon, cũng có người thấy chưa hợp khẩu vị. Điều đó chưa chắc đến từ cách chế biến món ăn  mà đôi khi phụ thuộc vào thói quen ăn uống của mỗi người. Thế nên, hãy thường xuyên cảm ơn và dành tặng họ những lời-khen-có-cánh thay vì những lời chê hoặc bỏ thừa thức ăn Arcers nhé!

    Chăm sóc sức khỏe tốt nhất

    Chăm chỉ, tỉ mỉ và nhiệt tình, mỗi bữa ăn đều chứa đựng rất nhiều sự cố gắng và tâm huyết của các cô chú tổ Bếp và các cô chú ấy sẽ rất vui khi các bạn dùng hết suất ăn. Tất nhiên với những thứ khoái khẩu như gà rán, khoai tây chiên, tôm chiên, pizza hay mỳ Ý thì gần như chẳng phải giục các bạn ăn và đổ đi bất cứ miếng nho nhỏ nào còn thừa lại trong khay. Nhưng những món ăn thường ngày của chúng mình, nhất là những món như rau xanh tốt cho sức khoẻ thì nhiều bạn còn chưa cố gắng ăn hết suất đâu. Mỗi bạn chỉ bỏ lại dù là một chút đồ ăn thì ngoài vấn đề lãng phí, các cô chú tổ Bếp sẽ rất vất vả để đổ bỏ chúng hay gom lại cho những cơ sở chăn nuôi xin thức ăn thừa. Đó là chưa kể đến công sức mà các cô chú bỏ ra khi nấu nướng món ăn này nữa.

    Và chúng mình cũng cần phải nhớ những quy tắc trong phòng ăn như không được đùa nghịch dẫn dến va chạm và rơi đồ ăn xuống sàn, quá ồn ào khi ăn… Tất cả những điều đó đều sẽ ảnh hưởng đ ến công việc và sức khoẻ các cô chú tổ Bếp. Chúng mình hãy học những thói quen tốt của người văn minh để giúp đỡ cho bản thân và cũng là cho những người xung quanh mình nhé!

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan