Phòng chống một số bệnh trong thời tiết giao mùa

25/10/2022

    Mùa đông sắp đến, tiết trời lạnh khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, kèm theo các cơn mưa phùn là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Vì vậy cần biết một số bệnh dễ bùng phát vào dịp này để có cách phòng tránh.

    Một số bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa: Cúm A, sốt xuất huyết, sốt virus, sốt phát ban, viêm họng cấp tính, viêm Amidan, cảm cúm, thủy đậu, cúm gia cầm. hiện tại đang có thêm 2 lọai dịch bệnh đậu mùa khỉ và bệnh do Virus Adeno cần lưu ý.

    1. Cúm A

    Bệnh cúm A là gì?

    Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus cúm A gây nên, bệnh lây theo đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt bắn nhỏ khi nói chuyện khi ho, hắt hơi và lây lan nhanh thành dịch.

    Biểu hiện bệnh:

    • Sốt trên 38 độ kèm theo cảm giác ớn lạnh.
    • Nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ mệt mỏi, ăn không ngon.
    • Đau họng, ho, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi.
    • Buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

    Các triệu chứng có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày, đôi khi hơn 1 tuần, thông thường bệnh sẽ tự khỏi, tuy nhiên bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang. Có trường hợp bệnh cúm tiến triển nặng gây sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi, suy tim và có thể tử vong.

    Cách phòng bệnh:

    • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Cụ thể, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch nhiều lần trong ngày, sử dụng các dung dịch rửa mũi, họng, có thể nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch Nacl 0,9 % hàng ngày.
    • Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi và tránh tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp với người bệnh hoặc người nghi ngờ cúm A.
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học, phòng làm việc mở cửa thông thoáng.
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhằm ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.
    • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
    • Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực/khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang rồi đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
    • Chủ động tiêm vaccin để phòng bệnh: việc tiêm phòng vaccin đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm mắc và tử vong do cúm từ 70- 80%. Mỗi cha mẹ học sinh cần chủ động tiêm phòng bệnh cúm cho con mình.

    2. Bệnh sốt xuất huyết

    Biểu hiện:

    • Bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đột ngột 39⁰ đến 40°C, kéo dài 2-7 ngày.
    • Đau đầu dữ dội ở vùng trán.
    • Đau hốc mắt, đau người, các khớp.
    • Buồn nôn.
    • Phát ban.
    • Bệnh nặng có thể gây xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết phủ tạng,…

    Đường lây truyền

    • Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh, bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
    • Muỗi vằn là muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng.
    • Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
    • Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo đặc biệt là quần áo có mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
    • Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, … các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, máng thoát nước mưa, …

    Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết: Đi khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị theo đơn bác sĩ; khám lại theo hẹn

    3. Sốt virus

    Sốt virus thường có biểu hiện như thế nào?

    • Sốt virus thường xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào do sức đề kháng kém. Đặc biệt khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường khiến virus phát triển mạnh. Nhiễm virus có thể gặp ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể, song nhiễm virus đường hô hấp là phổ biến nhất.
    • Sốt virus rất dễ lây lan từ người bệnh sang cộng đồng, đặc biệt là những người tiếp xúc gần trong gia đình hoặc môi trường làm việc. Sốt virus thường diễn biến trong vòng 5 - 7 ngày, cũng có khi thời gian kéo dài hơn.

    Biểu hiện bệnh sốt virus

    Khi virus xâm nhập vào cơ thể, sau một thời gian ủ bệnh sẽ gây biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng một số có thể bị bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách. Biểu hiện của bệnh sốt virus rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng thường là:

    • Người bệnh sốt cao từ 38⁰C - 39⁰C, thậm chí 40⁰C - 41⁰C. Dùng thuốc hạ sốt chỉ đỡ được vài giờ rồi lại tiếp tục sốt lại, khi hết sốt có thể mọc ban toàn thân, ngứa.
    • Trong và sau khi sốt người bệnh sẽ đau đầu, đau cơ thể, mệt mỏi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, triệu chứng ngày càng nặng, họng có thể sưng đỏ...
    • Người bệnh có rối loạn tiêu hóa.
    • Có thể có viêm kết mạc mắt (có thể có biểu hiện của viêm kết mạc mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt, người mệt mỏi, uể oải, ...)

    Các biện pháp phòng dịch bệnh:

    • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Cụ thể, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch nhiều lần trong ngày, có thể nhỏ mắt, mũi, súc họng bằng dung dịch Nacl 0,9 % hàng ngày.
    • Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi và tránh tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp với người mắc bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh. Không nên tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, sốt, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa.
    • Giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc đi học vào buổi sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
    • Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Tăng cường vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh, kem, đá, ... Nên ăn các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một số loại thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như rau xanh (súp lơ xanh, nấm, ...) hoặc các loại thực phẩm như cá, thịt bò, …
    • Luyện tập thể dục để tăng sức đề kháng.
    • Đeo khẩu trang khi ra ngoài: đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Nên sử dụng khẩu trang để bảo vệ chính mình khi tới những nơi đông người, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc khi có dịch. Khi bản thân có các triệu chứng như hắt hơi, ho,… nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.
    • Tiêm phòng vắc xin để phòng chống các loại bệnh.

    4. Sốt phát ban

    Sốt phát ban là gì?

    Sốt phát ban thường gây ra bởi virus sởi hoặc virus rubella. Bệnh gây ra bởi virus sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi virus rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban thường lây truyền qua đường hô hấp, hít thở chung nguồn khí với người bệnh.

    Biểu hiện bệnh: Trẻ mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của trẻ sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh toàn thân và chân tay.

    Cách phòng tránh:

    • Tiêm vắc xin phòng sởi và rubella, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, bổ sung đầy đủ vitamin tăng cường sức đề kháng.
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng.
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhằm ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
    • Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.

    5. Viêm họng cấp tính

    Viêm họng cấp tính là gì?

    Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Bệnh thường do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim hay còn gọi là thấp tim.

    Triệu chứng: Đau họng khi nuốt, sốt, khan tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi.

    Cách phòng tránh:

    • Phòng tránh: Đeo khẩu trang khi ra đường nhất là những chỗ đông dân cư và gần những khu công nghiệp. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, uống nước ấm tránh ăn đồ lạnh: kem, đá, …
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhằm ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
    • Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.

    6. Viêm amidan

    Triệu chứng: Khó nuốt, đau họng, lạc giọng hoặc mất giọng, mệt mỏi, có thể sốt cao >38°C, miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm có thể nổi hạch.

    Phòng tránh: Giữ ấm cổ khi ra ngoài trời lạnh, súc miệng bằng nước muối.

    7. Cảm cúm

    Trẻ em là nhóm mắc căn bệnh này nhiều do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến virus cúm dễ dàng gây bệnh. Virus cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày.

    Triệu chứng: Sốt nhẹ, có thể ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, đau họng, nghẹt mũi, chán ăn, đặc biệt là hắt hơi nhiều và chảy nước mũi trong. Tùy theo sức đề kháng mà thời gian bệnh kéo dài hay rút ngắn.

    Cách phòng tránh:

    • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm.
    • Bổ sung vitamin, tăng cường dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng, ngoài ra thường xuyên giữ gìn vệ sinh cơ thể, rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh.
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng.
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhằm ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
    • Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.

    8. Bệnh thủy đậu

    Bệnh thủy đậu là gì?

    Thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng Thủy đậu.

    Biểu hiện của bệnh:

    • Mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
    • Bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não.

    Cách phòng tránh:

    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng.
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng nhằm ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
    • Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.
    • Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh.
    • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng.
    • Vệ sinh nhà cửa, lớp học.

    9. Bệnh cúm gia cầm

    Bệnh cúm gia cầm là gì?

    Bệnh cúm gia cầm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng.

    Biểu hiện của bệnh: Sốt cao đột ngột (trên 38°C), ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

    Cách phòng tránh:

    • Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín  uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
    • Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
    • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, phải thống báo cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
    • Khi có biểu hiện cúm có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.
    • Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh.
    • Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi và tránh tiếp xúc gián tiếp và trực tiếp với người bệnh hoặc người nghi ngờ có biểu hiện của bệnh.
    • Vệ sinh nhà ở, lớp học phòng làm việc, mở cửa thông thoáng.
    • Chế độ ăn thức ăn cân bằng, đủ chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng.
    • Tăng cường tập thể dục nâng cao thể trạng.

    10. Bệnh đậu mùa khỉ

    Bệnh đầu mùa khỉ là gì?

    Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra, đậu mùa khỉ cùng họ với bệnh đậu mùa, nhưng nhẹ hơn với 2 chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.

    Triệu chứng:

    • Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi.
    • Phát ban: nhìn giống như mụn nước, xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
    • Hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần.
    • Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

    Cách phòng tránh: Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.

    • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tát các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.
    • Thường xuyên rửa tay.
    • Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng, nếu có nghi ngờ cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động cách ly.
    • Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
    • Người đến các quốc gia có dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
    • Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

    11. Bệnh do virus Adeno

    Bệnh do Virus Adeno là gì?

    Adenovirus - loại virus phổ biến trên thế giới có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang có xu hướng bùng phát mạnh ở nước ta.

    Triệu chứng:

    • Khi nhiễm Adenovirus trẻ sẽ có các triệu chứng như: sốt, ho, sổ mũi, cảm, viêm đường hô hấp.
    • Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Cùng với các triệu chứng của viêm đường hô hấp thì viêm phổi do virus Adeno sẽ khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, ho và thở khò khè.

    Đường lây nhiễm của Adenovirus

    • Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 - 12 ngày.
    • Khi xâm nhập vào cơ thể, ban đầu Adenovirus sẽ gây ra các triệu chứng cúm, viêm hô hấp thông thường như: sốt cao, nhức đầu, đau mình, ... Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng như: suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, khởi phát cơn hen phế quản, … Nặng hơn có thể gây tổn thương gan, viêm gan, tổn thương não, viêm não,...
    • Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Virus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính, … thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.

    Cách phòng tránh:

    • Bệnh do Adenovirus gây ra hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điệu trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus, vì đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi.
    • Để phòng lây nhiễm vius Adeno, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức để kháng cho trẻ, tiêm vắc xin phòng cúm.
    • Với trẻ nhỏ tháng nên cho uống vitamin A 6 tháng/lần tại trạm y tế.
    • Rửa tay thường xuyên, khi ho nên che miệng, đeo  khẩu trang khi đến nơi công cộng.
    • Khi bị nhiễm virus Adeno không nên tiếp xúc gần với nhiều người, nhằm tránh lây lan virus cho cộng đồng. 

    LIÊN HỆ TUYỂN SINH

    Bài viết liên quan